Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM đều đang phải đối diện với những vấn đề lớn về gia tăng dân số ở khu vục trung tâm, ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng, ô nhiễm nguồn nước..
Nhu cầu lớn trong phát triển đô thị theo mô hình sinh thái Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro chung mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt, động đất, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, lượng khí thải carbon toàn cầu liên tục gia tăng và đạt mức kỷ lục trong vài năm tới.
Đối với Việt Nam, báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 4/2017, toàn quốc có 805 đô thị (tăng thêm 08 đô thị loại V so với cuối năm 2016), bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 633 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37%...Theo dự báo,đến năm 2025 sẽ có 1000 đô thị.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM đều đang phải đối diện với những vấn đề lớn về gia tăng dân số ở khu vục trung tâm, ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng, ô nhiễm nguồn nước... Xuất phát từ thực trạng trên, việc phát triển carbon thấp đã trở thành một ưu tiên trong các chính sách, chiến lược quan trọng của quốc gia.
Đề cập đến các chiến lược, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển đô thị sinh thái ở Việt Nam, các chuyên gia ngành xây dựng cho biết: Ở cấp quốc gia, Chính phủ đã phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững (năm 2006), ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2008), tiết kiệm năng lượng năm (2010) và tăng trưởng xanh (năm 2012). Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050…
Các chiến lược, chương trình đã chủ trương xây dựng đô thị xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho bảo tồn và phát triển, giảm thiểu phát thải khí nhà kính…; Xây dựng thành phố thân thiện với môi trường, có hệ thống giao thông hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, người và phương tiện. Các mô hình phát triển đô thị sinh thái cũng đang được nghiên cứu, thực hiện hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng và ít phát thải carbon, tránh ngăn cản quá trình phát triển kinh tế; phát triển đô thị bền vững.
Cụ thể, để phát triển bền vững, các đô thị sẽ hướng đến các mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường đô thị; tiết kiệm năng lượng từ công trình riêng lẻ cho đến các khu vực đô thị có quy mô lớn; phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông công cộng và đường sắt đô thị; phát triển đô thị an ninh, trong bối cảnh hội nhập: giảm phát thải, tăng cường tái chế năng lượng…
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cũng theo các chuyên gia xây dựng, Việt Nam hiện đang triển khai một số mô hình phát triển đô thị gắn với đường sắt công cộng; đô thị thông minh (Smart City) kết hợp giữa không gian đô thị và công nghệ thông tin, trong đó công nghệ sẽ được ứng dụng để giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, giảm phát thải carbon. 5 đô thị lớn ở Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ cũng đang tham gia sáng kiến đô thị sinh thái – kinh tế (Eco2 citis)… “Phát triển đô thị sinh thái là việc làm cần cho hôm nay và mai sau. Hiện tại, các địa phương có nhu cầu lớn trong việc phát triển đô thị theo mô hình sinh thái” - chuyên gia xây dựng nhận định – “Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác xây dựng và phát triển Smart Ecocity nhằm tìm kiếm hướng tiếp cận để giảm thiểu carbon; xây dựng chiến lược phát triển đô thị theo mô hình sinh thái và phát triển các công nghệ tiên tiến, then chốt cho công trình và nhóm công trình…
Giảm thuế thu nhập cho các tòa nhà được chứng nhận carbon thấp Còn theo các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ, một số kinh nghiệm trong việc phát triển đô thị sinh thái.
Theo đại diện của Cty TNHH Mitsubishi UFJ Morgan, vài năm trở lại đây, liên Bộ gồm Bộ Đất đai, Hạ tầng và giao thông, Bộ Môi trường, Bộ Kinh tế - Thương mại và công nghiệp đã ban hành Luật “TP Carbon thấp”. Theo đó, Nhật Bản phát triển TP bền vững và carbon thấp dựa trên phát triển “TP nhỏ gọn”; khuyến khích các TP phát triển các kế hoạch “TP sinh thái”.
Chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh: Luật “TP carbon thấp” có 3 trụ cột.
Thứ nhất là phát triển TP nhỏ gọn, trong đó việc phát triển TP nhỏ gọn không phải là TP có quy mô nhỏ mà là tập trung vào sử dụng các tòa nhà công cộng và dịch vụ tại trung tâm, TP sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng.
Trụ cột thứ hai là cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà và TP. Theo đó, các cơ quan chức năng của Nhật Bản cấp giấy chứng nhận công trình carbon thấp cho các công trình sử dụng vật liệu, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon. Nhật Bản cũng khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Trụ cột thứ ba là “xanh hóa” không gian công cộng thông qua việc bảo tồn rừng và phát triển nhiều công viên hơn. Luật cũng quy định các ưu đãi cho TP carbon thấp.
Theo đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm chỉ định khu vực cụ thể để thúc đẩy phát triển TP carbon thấp; nới lỏng các quy định hiện tại cho các TP carbon thấp như tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà đậu xe, xây dựng bãi đậu xe; có các biện pháp đặc biệt để thức đẩy vận tải công cộng…
Đặc biệt, các tòa nhà được chứng nhận nhà ở carbon thấp được giảm thuế thu nhập… Ứng dụng tại Việt Nam Nhận định về cơ hội ứng dụng tại Việt Nam, cụ thể là KĐT Ecopark, chuyên gia Nhật Bản cho rằng: Hiện Ecopark đã thực hiện việc tạo dựng không gian xanh và đang trong quá trình thực hiện cấu trúc đô thị thành TP đa chức năng, xây dựng hạ tầng không rào cản; xe đạp thân thiện.
Ecopark cũng đã thực hiện một phần việc cung cấp và cải thiện dịch vụ giao thông công cộng, cung cấp các mối liên kết giao thông. Ecopark có thể cải thiện, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và thông minh, khuyến khích các tòa nhà hiệu quả năng lượng cao. Về phía Ecopark, đại diện chủ đầu tư Ecopark cho biết: Ngay từ quy hoạch đến quá trình đầu tư xây dựng, Ecopark được đầu tư theo hướng dẫn thân thiện với môi trường, KĐT sinh thái. Ecopark đã ứng dụng thành công một số yếu tố như nghiên cứu và áp dụng nguyên lý khí động học ngay từ khâu quy hoạch, tận dụng năng lượng tự nhiên và hướng gió…Tối đa hóa không gian cây xanh trong quá trình xây dựng.
Tỷ lệ cây xanh, mặt nước được quy hoạch hợp lý. Bằng các lớp đệm xanh tự nhiên, ngay trong quá trình xây dựng, Ecopark hạn chế tối đa bụi và mức độ ô nhiễm…Ecopark cũng áp dụng công nghệ và tái tạo nước để bảo đảm sự luận chuyển, lưu thông liên tục nguồn nước tự nhiên và chú trọng đầu tư cho hệ thống cấp và thoát nước, xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường và chất thải sinh hoạt… “Chúng tôi rất cần sự hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu và đào đạo, giữa các DN Việt Nam – Nhật Bản.
Thông qua hợp tác, các thế mạnh của Nhật Bản, nhất là về khoa học, công nghệ ít phát thải nhà kính sẽ được chuyển giao và thử nghiệm tại Ecopark” đại diện Ecopark cho biết thêm.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, Nhật Bản là một trong những nước có nhiều kinh nghiệm. Bằng việc áp dụng những giải pháp công nghệ về giảm thiểu khí carbon trực tiếp vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng đô thị, Nhật Bản đã thực hiện thành công công cuộc tái thiết đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, sinh thái, phát triển giao thông xanh, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động tới môi trường