Các nhà khoa học Mỹ đề xuất dùng sóng não để làm mật khẩu thay thế cho dữ liệu sinh trắc học như dấu vân tay, mống mắt, nhận diện khuôn mặt, giọng nói.
Theo thông cáo báo chí của Đại học bang New York tại Buffalo, các nhà nghiên cứu Mỹ đã đề xuất sử dụng sóng do các khu vực khác nhau của não phát ra khi nhìn thấy những hình ảnh để làm mật khẩu. Một mặt, những mật khẩu như vậy vẫn là sinh trắc học, nhưng mặt khác - không giống như dấu vân tay hoặc mống mắt, những mật khẩu não có thể nhanh chóng thay đổi chỉ bằng cách thay đổi nguồn kích thích.
Các tác giả sẽ trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 16 về Hệ thống di động MobiSys ở Munich, Đức. Trong những năm gần đây, dữ liệu sinh trắc học (dấu vân tay, mống mắt, nhận dạng khuôn mặt hoặc nhận giọng nói) được sử dụng rộng rãi làm mật khẩu. Một mặt, những mật khẩu này là độc đáo, nhưng mặt khác – đôi khi chúng có thể bị làm giả. Chẳng hạn, hai năm trước, các kỹ sư đã có thể mở khóa điện thoại thông minh của một người đã qua đời với sự trợ giúp của một bức ảnh dấu vân tay của anh ta. Và máy quét mống mắt có thể bị lừa khi sử dụng một bức ảnh chuẩn và kính áp tròng. Chẳng khó khăn gì trong việc dùng mặt nạ của người khác khi các chuyên gia máy tính đã phát triển công nghệ cho phép chuyển cảm xúc con người thực sự trên avatar của anh ta, còn một nhóm nhà nghiên cứu thì đã phát triển một thuật toán cho phép giao tiếp bằng điệu bộ khi trò chuyện video. Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang New York tại Buffalo dưới sự hướng dẫn của Wenyao Xu đã quyết định sử dụng sóng não như một mật khẩu vì dữ liệu sinh trắc học này, một mặt sẽ là duy nhất cho mỗi cá nhân và mặt khác, dữ liệu đó có thể dễ dàng thay đổi. Các nhà khoa học đã quyết định sử dụng sóng mà não phát ra khi phản ứng với một hình ảnh hoặc văn bản. Đặc điểm này là duy nhất cho từng người, vì mọi người đều có những trải nghiệm khác nhau.
Ví dụ, một người từng bị chó cắn sẽ phản ứng với hình ảnh của những con chó không giống như những người chưa bị chó cắn. Vì phản ứng là vô thức và không phụ thuộc vào ý chí của con người nên không thể giả mạo phản ứng được. Đồng thời, nếu cơ sở dữ liệu hình ảnh bị đánh cắp thì có thể dễ dàng thay đổi dữ liệu và phản ứng não cũng thay đổi theo.
Để kiểm tra công nghệ, các nhà nghiên cứu đã mời 179 người tình nguyện tham gia nghiên cứu đeo thiết bị điện não đồ được cải tiến để ghi lại hoạt tính của 3 vùng não. 93 trong số đó là đàn ông, 86 là phụ nữ; độ tuổi trung bình của những người tham gia là 30. Những người tình nguyện được đeo thiết bị ghi sóng não và xem hình ảnh động vật, ảnh những nhân vật nổi tiếng và đọc một đoạn văn bản ngắn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sự ổn định của dữ liệu chống lại hacker. Trong 2 loạt thử nghiệm khác, các tác giả của công trình đã kiểm tra tuổi thọ của mật khẩu. 78 người trong số 179 người đã tham gia. Lần thứ hai họ được mời sau 5 ngày, lần thứ ba, họ được mời tham gia sau 5 tháng kể từ loạt thử nghiệm đầu tiên. Lần này, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia xem cùng một loạt hình ảnh như trong thí nghiệm đầu tiên và kiểm tra xem hoạt tính của não của những người tham gia có trùng khớp hay không. Độ chính xác của phương pháp hóa ra là trên 95%, riêng thử nghiệm sau 5 tháng, hiệu quả của mật khẩu giảm 1%. Các tác giả lưu ý rằng có thể các công ty quan tâm đến bảo mật sẽ bắt đầu sử dụng công nghệ sóng não trước tiên và họ sẽ giới thiệu công nghệ với nhân viên và sau đó sẽ đến lượt những người khác. Việc tạo ra "mật khẩu não" không phải là nỗ lực đầu tiên để bảo mật và đồng thời, thay thế dữ liệu sinh trắc học như dấu vân tay, mống mắt, nhận diện khuôn mặt, giọng nói. Năm ngoái, các nhà khoa học Trung Quốc đã trình bày một công nghệ phân tích sự chuyển động của môi người khi phát âm mật khẩu.